Vẹn nguyên ký ức ngày giải phóng Khu mỏ

Thứ tư - 11/04/2018 22:26
Đã 60 năm kể từ ngày Vùng mỏ Quảng Ninh được giải phóng. Những người trực tiếp chiến đấu, đóng góp công sức cho Quảng Ninh trong những ngày hào hùng ấy đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Tuy nhiên, cho dù mắt đã mờ, chân đã chậm nhưng ký ức về những ngày đáng nhớ ấy vẫn vẹn nguyên trong họ...

Làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp

Một ngày trung tuần tháng 4-2015, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính khu Hồng Quảng (giai đoạn 1952-1961), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh (giai đoạn 1969-1980) nghe ông kể chuyện ngày giải phóng Khu mỏ 25-4-1955. Tuy đã hơn 90 tuổi, nhưng ông Nguyễn Ngọc Đàm còn rất minh mẫn.

Ông kể: Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Hiệp định có nêu rõ trong vòng 300 ngày sau khi ký, thực dân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc (chủ yếu là ở các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Ninh...). Mặc dù Hiệp định ký là vậy, nhưng với ý đồ của mình thực dân Pháp và đế quốc Mỹ luôn thực hiện thủ đoạn bóp nghẹt tự do dân chủ, khiêu khích phá hoại hoà bình. Ở Khu mỏ chúng thực hiện chế độ thiết quân luật, xoá bỏ quyền dân chủ mà Hiệp định quy định. Chúng liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận, hành quân vây ráp và cưỡng ép nhân dân ở các vùng tạm chiếm trước đây di cư vào miền Nam. Tỉnh Quảng Yên và tỉnh Hải Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm trong kế hoạch cưỡng ép người dân di cư vào miền Nam của địch. Song song với đó, thực dân Pháp còn ráo riết thực hiện mọi thủ đoạn vơ vét thật nhanh, thật nhiều sức người, sức của ở Khu mỏ. Bọn chủ mỏ Pháp tiến hành khai thác than một cách ồ ạt. Trong 7 tháng còn lại chúng dự tính sẽ tìm mọi cách để bóc được gần 80 vạn tấn than, bằng mức khai thác của cả năm 1954. Chúng nâng mức khoán lên 50%, nâng ngày làm việc lên 12 giờ, dự tính sẽ sa thải 60% công nhân... Đồng thời, bọn chủ mỏ Pháp ra sức tìm mọi thủ đoạn để di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi Khu mỏ.

Trước tình hình đó, Trung ương, Đặc khu uỷ Hòn Gai đã chỉ thị cho các cơ sở của ta trong Khu mỏ bí mật thành lập các tổ tự vệ công nhân ở các công trường, xí nghiệp để bảo vệ máy móc thiết bị và các cơ sở công nghiệp. Khoảng tháng 2-1955, trước tinh thần đấu tranh của công nhân Khu mỏ, không cho chủ mỏ Pháp di chuyển máy móc, thiết bị, chủ mỏ Pháp đòi gặp đại diện Chính phủ ta để thương lượng. Bác Hồ đã gửi điện triệu tập lãnh đạo Đặc khu uỷ Hòn Gai lên báo cáo tình hình và nhận chỉ đạo của Trung ương. Lúc đó với vai trò là Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính khu Hồng Quảng, tôi lên Hà Nội gặp Bác. Qua nghe tôi báo cáo, Bác khen cách làm của lãnh đạo Đặc khu và chỉ đạo phải giám sát chặt, kiên quyết đấu tranh không cho chủ mỏ Pháp tháo, di chuyển máy móc và vận động công nhân, nhất là những công nhân lành nghề, thợ giỏi không được di chuyển vào Nam, để sau này tiếp quản ta có máy móc thiết bị và người quản lý làm việc được ngay...

Do chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, tinh thần đấu tranh dũng cảm của công nhân mỏ, toàn bộ hệ thống máy móc, thiết bị quan trọng trong khai thác và phục vụ khai thác than đã được bảo vệ. Đây là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cho việc khôi phục và phát triển ngành sản xuất than sau này của Khu mỏ Quảng Ninh. Đồng thời cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân Khu mỏ đã làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của bọn thực dân hiếu chiến Pháp, đế quốc Mỹ, làm tê liệt bộ máy tay sai của địch buộc chúng phải rút khỏi Khu mỏ theo đúng thời gian quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Vậy là sau hơn 72 năm đấu tranh bền bỉ và anh dũng, khu Hồng Quảng đã sạch bóng quân xâm lược và hoàn toàn được giải phóng. 8 giờ 30 phút, ngày 25-4-1955, tại cuộc mít tinh ở thị xã Hòn Gai, Uỷ ban quân chính Hồng Quảng, trong đó có tôi và các đồng chí Hoàng Hữu Nhân, Trịnh Nguyên và Nông Công Dũng ra mắt trước toàn thể nhân dân. Đồng chí đại diện quân sự đã đọc nhật lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp và tôi Chủ tịch Uỷ ban quân chính khu Hồng Quảng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Hồng Quảng. Trong đó có đoạn viết: “Do quân dân ta đoàn kết nhất trí, kháng chiến anh dũng mà chiến tranh chấm dứt, hoà bình đã thắng lợi, nước Pháp đã phải công nhận nước ta độc lập và thống nhất. Những vùng quân đội Pháp chiếm đóng trước đây đã lần lượt được giải phóng, đồng bào Hòn Gai, Quảng Yên lại được sống tự do. Đó là một thắng lợi to lớn. Tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời thăm hỏi đồng bào và ngay từ giờ, chúng ta phải hăng hái lao động sản xuất để nhanh chóng khôi phục kinh tế...”.

Rộn ràng ngày giải phóng

Khác với ông Nguyễn Ngọc Đàm, gặp ông Hoàng Tuấn Lộc (tên thường gọi là Hoàng Tuấn Dương), nguyên là Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng bộ Than Quảng Ninh, hiện ở tổ 17, khu 2, phường Hồng Gai, TP Hạ Long, chúng tôi được nghe ông kể về niềm vui sướng của 60 năm trước, khi những người thợ mang thân phận nô lệ như ông được trở thành công dân của một nước độc lập. Mở đầu câu chuyện, ông không khỏi bùi ngùi khi nói về thời thơ ấu. Ông Dương sinh ra và lớn lên tại Đồ Sơn, Hải Phòng, năm 1945 cả gia đình ông gồm bố, 3 chú ruột, cô ruột và anh ruột đều chết đói. Năm 1950 (lúc đó tròn 9 tuổi) mẹ dắt ông cùng chị và em trai ra Cẩm Phả cầu thực kiếm ăn. Hàng ngày ông phải đi đánh giày, bán kem, trứng luộc và táo dầm để giúp mẹ kiếm sống. Dọc đường mưu sinh ông luôn chứng kiến cảnh bọn lính, bảo hoàng (bảo chính đoàn) đàn áp, cưỡng bức nhân dân; cảnh những người phu mỏ bị đánh đập, cúp công, cúp lương, tai nạn lao động… Cứ thế, ngày qua ngày, đến khi Khu mỏ được giải phóng thì cuộc sống của ông, của bao người dân mới được đổi đời. Ông bảo: “Tôi nhớ mãi cái hôm bộ đội vào tiếp quản (các ngày từ 22 đến 24-4-1955). Không biết cơ man nào là cờ, hoa... Lúc đó, tôi còn nhỏ, còn đánh cái quần cộc, áo ngắn tay, chân đi đất lẽo đẽo theo bộ đội đi khắp nơi. Bà con nhân dân vui lắm, mừng lắm, chả bao giờ được vui thế này. Các xóm thợ, cửa hàng vắng tanh, tất cả đều đổ ra đường đón bộ đội, hoan hô “bộ đội ông Hồ”...”.

Nói rồi ông kể về cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn của ông và gia đình. Sau khi Khu mỏ giải phóng được ít ngày, ông được đi học, được bầu làm liên đội trưởng. Liên đội thiếu niên của Trường Tiểu học Cẩm Phả do ông làm Liên đội trưởng, luôn tổ chức các hoạt động ngoài giờ để giúp nhân dân, như: Quét dọn ngoài đường phố, sân vận động; gánh nước, trông em bé giúp những cô chú công nhân neo đơn... Việc làm của Liên đội ai thấy cũng hoan hô, yêu mến. Đến 18 tuổi, ông Lộc vào làm công nhân khai thác than ở lò chợ Đá Thiên thuộc công trường lò Lộ Trí (tiền thân của Công ty Than Thống Nhất ngày nay). Hồi đó Vùng mỏ mới giải phóng còn thiếu thốn đủ thứ. Vào làm lò có gì mặc nấy, có gì đội nấy, giày dép ai có thì đi, ai không có đi chân đất. Vậy mà ai cũng hăng say lao động. Ai cũng nỗ lực quyết tâm làm thật nhiều than cho Tổ quốc. Vào lò làm được một năm (năm 1959) lúc đó 19 tuổi ông được kết nạp Đảng và được phong chiến sĩ thi đua cấp Nhà nước. Đầu năm 1960 các công trường được nâng cấp lên thành các mỏ, công trường Lộ Trí thành mỏ Thống Nhất, ông được điều về làm Chánh Văn phòng Đảng uỷ, năm 1961 được bầu làm Bí thư Đoàn và cuối 1961 về làm Phó Bí thư Đoàn Công ty Than Hòn Gai đến năm 1970 chuyển sang làm chuyên trách công tác Đảng đến 2001 nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu, ông là Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng bộ Than Quảng Ninh.

Chia tay chúng tôi, ông Hoàng Tuấn Lộc bảo: “Mới đó mà đã 60 năm, giờ cuộc sống, kinh tế - xã hội có nhiều đổi thay và không ngừng phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Song đối với thế hệ chúng tôi không bao giờ quên cảnh sống lầm than của người dân mất nước, cuộc sống của những người phu mỏ... cũng như tinh thần đấu tranh quật cường, gan dạ dũng cảm của người dân Vùng mỏ ngày ấy. Chính tinh thần này đã hấp thụ và giác ngộ chúng tôi, luôn nhắc nhở chúng tôi phải sống xứng đáng với những gì truyền thống cách mạng của quê hương, của cha anh”.

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Website Vinacomin
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập104
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm103
  • Hôm nay8,903
  • Tháng hiện tại135,547
  • Tổng lượt truy cập12,714,222
Anh hùng Lao động
Phat huy truyen thong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây