“Sống vì Đảng, mà chết cũng không rời Đảng”

Thứ tư - 11/04/2018 22:39
Trong những ngày tháng này, cùng với niềm vui của LLVT tỉnh được vinh dự đón nhận danh hiệu đơn vị “Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh còn có niềm tự hào được đón nhận sự kiện Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng LLVT nhân dân” cho liệt sĩ Vũ Văn Hiếu, nguyên Bí thư Đặc khu uỷ đầu tiên.
Lễ kết nạp Đảng viên mới của Đảng bộ cơ quan Báo Quảng Ninh tại Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu.
Lễ kết nạp Đảng viên mới của Đảng bộ cơ quan Báo Quảng Ninh tại Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu, sinh ngày 20 tháng 3 năm 1907, tại ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng, tổng Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (nay là xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Sớm giác ngộ cách mạng, tháng 11- 1929, Vũ Văn Hiếu đã trở thành đảng viên của chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hòn Gai và được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Hà Tu, Núi Béo. Đồng chí chuyển từ nghề dạy học sang thợ sửa chữa máy bơm để có điều kiện gần gũi công nhân, giác ngộ quần chúng. Với tài năng, uy tín của mình, đồng chí đã vận động được anh em công nhân xóa bỏ nạn cờ bạc, lập ra tổ tập võ, tổ sinh hoạt văn nghệ làm cơ sở xây dựng, phát triển một chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hà Tu.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 03-02-1930, chi bộ Đảng Cộng sản ở Mạo Khê rồi Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt được thành lập. Chi bộ ở Hòn Gai do đồng chí Nguyễn Khắc Khang (tức Lê Quốc Trọng) làm bí thư, đồng chí Vũ Văn Hiếu được phân công phụ trách công tác in ấn tài liệu, công tác kinh tế và trực tiếp phụ trách cơ sở ở Hà Tu. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng ở Hòn Gai, hầu hết các nhà máy, xí nghiệp đều hình thành các chi bộ, hoặc có đảng viên hoạt động.

Tháng 04-1930, cùng với Đảng bộ Uông Bí - Vàng Danh, Đảng bộ Hòn Gai -Cẩm Phả được thành lập do đồng chí Vũ Văn Hiếu làm bí thư. Đồng chí đã chỉ đạo và tổ chức thắng lợi hàng loạt các cuộc đấu tranh của công nhân khu mỏ đòi bọn chủ mỏ phải chấp nhận tăng lương, giảm giờ làm…, tổ chức treo cờ đỏ búa liềm trên đỉnh núi Bài Thơ ngày 01 - 5 - 1930 gây tiếng vang lớn trong toàn khu mỏ. Do một người của tổ chức đầu hàng địch, ngày 17-05-1930, mật thám Pháp đã bắt Vũ Văn Hiếu và 4 đảng viên khác hoạt động ở Hòn Gai. Mặc dù bị bắt một cách bất ngờ, bị tra tấn dã man, song đồng chí vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản. Không có đủ chứng cứ, thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho đồng chí. Sau khi ra khỏi nhà giam, đồng chí lại bắt tay vào việc khôi phục cơ sở, gây dựng lại phong trào.

Tháng 9 năm 1930, cấp trên quyết định tách Đảng bộ Hòn Gai - Cẩm Phả thành hai đảng bộ, đồng chí Vũ Văn Hiếu được điều ra Cẩm Phả làm Bí thư Đảng ủy Cẩm Phả - Cửa Ông để củng cố phong trào nơi đây đang bị địch khủng bố dữ dội. Mặc dù bị địch phá hoại nặng vào giữa tháng 5-1930, nhưng đến đầu tháng 10-1930 đồng chí Vũ Văn Hiếu đã lãnh đạo và chỉ đạo phục hồi nhanh chóng cơ sở đảng và các tổ chức quần, số lượng đảng viên ở Cẩm Phả đã lên tới 30 đồng chí và có 23 hội viên Công hội đỏ, đó là những nhân tố quan trọng để duy trì phong trào cách mạng ở vùng Cẩm Phả - Cửa Ông.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10 năm 1930) đã quyết định thành lập ở Khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều- Hòn Gai - Cẩm Phả. Ban chấp hành Đặc khu gồm 3 đồng chí: Vũ Văn Hiếu, Phạm Gia và Trần Văn Nghệ, đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm Bí thư và đồng chí đã trở thành người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh.

Ngày 9-02-1931, do có kẻ phản bội, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị địch bắt lần thứ 2, cùng gần 70 cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Biết rõ đồng chí là Bí thư Đặc khu ủy mỏ, bọn mật thám Pháp dùng mọi ngón đòn hiểm ác, thâm độc nhất hòng lấy lời khai của đồng chí, nhưng vẫn không khuất phục nổi. Ngày 13-05-1931, thực dân Pháp đưa Vũ Văn Hiếu cùng hơn 40 đảng viên, quần chúng cách mạng khác ra xét xử tại Hội đồng đề hình Hà Nội. Đồng chí bị kết án 20 năm cấm cố và đày ra Côn Đảo, giam cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Hạ Bá Cang, Nguyễn Khắc Khang,...

Tháng 5-1936, phong trào Bình dân ở Pháp thắng thế, thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị, Vũ Văn Hiếu trở về, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh. Sau đó, đồng chí chuyển vào miền Nam công tác, tham gia chỉ đạo tờ Đông Phương tạp chí với danh nghĩa đặc phái viên. Tháng 11-1939, đồng chí phụ trách cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng. Đêm 17-01-1940, tại cơ quan, đồng chí bị bọn mật thám bắt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Văn Tấn. Suy nghĩ đến trách nhiệm bảo vệ Đảng, nhất là bảo vệ các đồng chí chủ chốt, Vũ Văn Hiếu đã kịp nhắn cho đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Lê Duẩn trước khi bị giam vào bốt Catina: “Tôi đã nhận tài liệu địch lấy được là của tôi, địch có đánh thì tôi chịu. Các đồng chí cứ chối hết đi. Tôi chịu đòn, chịu chết thay cho các đồng chí, để các đồng chí sống mà hoạt động cho Đảng”. Đầu năm 1941, Vũ Văn Hiếu lại bị thực dân Pháp đầy ra Côn Đảo lần thứ hai, giam cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Tạo... Chúng bắt các chiến sĩ cách mạng không được mặc quần áo, ăn uống cơ cực, kèm với roi vọt, tra tấn và bệnh tật. Đồng chí Lê Duẩn kể lại: Vũ Văn Hiếu bị ho lao, anh em xin được một bộ quần áo cho mặc. Một hôm đồng chí Hiếu nằm cạnh tôi nói: “Tôi không sống được nữa. Tôi đang nghĩ có cách gì làm lợi cho Đảng mà nghĩ mãi không ra. Giờ chỉ có cách tôi đưa bộ quần áo này cho đồng chí mặc để đồng chí sống mà hoạt động cho Đảng”. Đồng chí Lê Duẩn từ chối, nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn khăng khăng không chịu, đồng chí bảo “Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng, sao đồng chí không nhận”. Hành động cao cả ấy không chỉ thắm tình đồng chí mà còn là sự gửi gắm niềm tin sắt đá vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Hiện nay, tại Khu lưu niệm đồng chí Vũ Văn Hiếu ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vẫn còn bức trướng ghi câu nói nổi tiếng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: "Đồng chí Hiếu là một đồng chí sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng" và bức tượng đài "Trao áo" đã được dựng tại khu nghĩa trang Hàng Dương (Côn đảo) từ năm 1976.

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Website Vinacomin
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập107
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm104
  • Hôm nay8,954
  • Tháng hiện tại135,598
  • Tổng lượt truy cập12,714,273
Anh hùng Lao động
Phat huy truyen thong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây