Tổng bãi công của thợ mỏ năm 1936

Thứ tư - 11/04/2018 22:59
Ngày 12-3-1883, tướng Pháp là Henri Riviere đích thân đem 500 quân đánh chiếm khu mỏ Quảng Ninh. Ngày 24-4-1884, thực dân Pháp ép triều đình nhà Nguyễn bán khu mỏ Hồng Gai – Cẩm Phả cho tư bản Pháp với giá 10 vạn đồng tiền Đông Dương
Tổng bãi công của thợ mỏ năm 1936
Tổng bãi công của thợ mỏ năm 1936
Ngày 28-4-1888, một công ty khai thác than đá lớn nhất nước Pháp được thành lập mang tên Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (Société Francaise des charbonnages du Tonkin, viết tắt là S.F.C.T). S.F.C.T được quyền quản lý, khai thác vùng “đất nhượng” rộng lớn kéo dài từ Mông Dương qua Cẩm Phả, Hồng Gai đến Vàng Danh, Mạo Khê, trong đó có 6 mỏ lớn, nhiều mỏ nhỏ, 2 bến cảng đảm bảo cho tàu trọng tải 3000 – 10.000 tấn vào ra, một nhà máy điện có công suất 1000 KW, 2 nhà máy cơ khí và nhiều trạm cơ khí nhỏ. Đây là cơ sở công nghiệp có quy mô lớn ra đời đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương và cũng là cái nôi ra đời của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, giai cấp công nhân khu mỏ Quảng Ninh nói riêng.

Ở trong vùng “đất nhượng”, bọn chủ mỏ thực dân Pháp sử dụng tổng hợp các phương thức bóc lột kiểu tư bản, phong kiến và chủ nô với những thủ đoạn cưỡng bức kinh tế và siêu kinh tế hết sức tàn nhẫn nhắm mục đích thu lợi nhuận tối đa trên cơ sở bần cùng hóa và vắt kiệt sức lao động của những người thợ mỏ. Chính vì vậy mà ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách thống trị và tiến hành khai thác bóc lột ở khu mỏ thì phong trào đấu tranh của công nhân mỏ đã bùng lên và ngày càng quyết liệt, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo.

Theo kế hoạch, ngày 11-11-1936 là ngày lĩnh lương. Sau khi lĩnh lương xong, công nhân đi mua lương thực, thực phẩm để dự trữ chuẩn bị cho bãi công. Nhưng kỳ lĩnh lương năm đó chậm lại một ngày nên đến chiều ngày 12-11-1936 thợ mỏ mới đi mua lương thực, thực phẩm.

Đến ngày 12-11-1936, không khí chuẩn bị bãi công bao trùm cả khu vực mỏ Cẩm Phả. Ngay đêm đó, các đội bảo vệ đã thành lập các trạm kiểm soát trên các ngả đường dẫn lên công trường, tầng than để tuyên truyền vận động thợ mỏ không đi làm và hãy quay về tham gia bãi công. Truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích, dán ở các lán thợ và trên các đường phố. Đêm hôm đó thợ mỏ dường như không ngủ, náo nức chờ ngày mai cuộc bãi công sẽ nổ ra.

Sáng ngày 13-11-1936, cả khu vực Cẩm Phả hừng hực khí thế cách mạng. Hơn 5.000 thợ mỏ Cẩm Phả đồng loạt nghỉ việc. Từng tốp thợ mỏ tập trung quanh những tấm áp phích và đọc cho nhau nghe lời kêu gọi và yêu sách của cuộc bãi công: “Hỡi anh chị em! Chúng ta làm lụng cực khổ, lương không đủ sống. Chúng  ta không muốn chết đói, chết bệnh. Vậy tất cả hãy bãi công. Đòi chủ tăng lương lên 3 hào một ngày. Đòi chủ phải mua cuốc, xẻng. Anh chị em hãy đồng tâm, đừng để người ta phá cuộc đấu tranh của chúng ta. Hãy tỉnh táo! Đừng mắc mưu khiêu khích! Kỷ luật và đồng tâm! Chúng ta sẽ thắng!”

Mọi người reo lên “Bãi công đi anh em ơi!”. Chỉ trong vòng 2 giờ, cuộc bãi công đã lan đi khắp nơi. Các tầng lò, xưởng máy không một bóng người. Các cơ sở sản xuất của mỏ Cẩm Phả đều phải ngừng hoạt động.

Chiều ngày 13-11-1936, chủ mỏ Cẩm Phả cùng với cai, ký bàn cách phá cuộc bãi công. Ban lãnh đạo cuộc bãi công tiếp tục tuyên truyền, vận động mọi người xiết chặt hàng ngũ đấu tranh.

Ngày 14-11-1936, thực dân Pháp điều 40 xe chở đầy lính lê dương, lính khố xanh từ Quảng Yên, Hải Phòng về Cẩm Phả để đàn áp cuộc bãi công. Nhưng tinh thần đấu tranh của công nhân mỏ Cẩm Phả vẫn không hề nao núng.

Cuộc bãi công bước sang ngày thứ 3, thứ 4 càng trở nên quyết liệt. Lính gác khắp các ngả đường vẫn không ngăn cản được hàng nghìn công nhân tập trung ở các phố đấu tranh đòi chủ mỏ phải thực hiện yêu sách của họ.

Chiều ngày 17-11-1936, là ngày thứ 5 của cuộc bãi công chủ mỏ cho dán yết thị công bố quyết định tăng lương lên 26 xu một ngày và hô hào thợ trở lại làm việc. Nhưng công nhân vẫn cương quyết đòi được 3 hào một ngày mới đi làm, mặc dù lúc này nhiều gia đình đã tiền hết, gạo khan. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo cuộc bãi công đã tổ chức đi tuyên truyền, vận động các chủ hiệu mở cửa bán gạo chịu cho công nhân và đã được các chủ hiệu đồng ý. Đồng bào dân tộc Sán Dìu, bà con ngư dân cũng ủng hộ lương thực, thực phẩm để thợ mỏ giữ vững cuộc bãi công. Thợ mỏ đã tập trung số lương thực còn lại nấu ăn chung trước cửa nhà tên chủ mỏ Cẩm Phả. Báo Le Travail ngày 27-11-1936 đã phản ánh và ca ngợi: “Họ đã tỏ rõ tinh thần đoàn kết vô sản một cách vô cùng tốt đẹp. Họ đã nấu chung bữa cháo cuối cùng với những nắm gạo cuối cùng và thề sẽ đấu tranh quyết liệt”.

Ngày 18-11-1936, tầng lò, nhà máy vẫn vắng teo.

Ngày 19-11-1936, ngày thứ 7 của cuộc bãi công diễn ra căng thẳng và đã có xung đột xảy ra. Bọn cai, ký đã dụ dỗ, lừa phỉnh được một số công nhân đi làm ở tầng 190. Hàng trăm công nhân đã kéo đến phản đối. Tên đốc công người Pháp đã bắt đi một công nhân trong đội bảo vệ. Ngay lập tức công nhân ào đến cứu nguy cho người thợ đó. Thợ và lính xô đẩy nhau, 3 người thợ bị lính đẩy xuống rãnh đã bị thương. Quần chúng công nhân phẫn uất xông vào đánh nhau với bọn lính. Tình hình trở nên hết sức căng thẳng. Trước tình hình đó, lãnh đạo cuộc bãi công đã kịp thời nhắc nhở, kêu gọi công nhân hãy bình tĩnh, kiềm chế và cảnh giác không để mắc mưu địch.

Cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả đã lên đến đỉnh điểm. Những tên thực dân đầu sỏ như Toàn quyền Đông Dương, Thống xứ, Thanh tra chính trị và Chánh mật thám Bắc Kỳ, Công sứ Quảng Yên, Đại lý mỏ Cẩm Phả, Tổng giám đốc CFST đều đã phải vào cuộc để trực tiếp giải quyết cuộc bãi công ở Cẩm Phả nhưng chúng đều bất lực và thất bại trước ý chí, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết và sức mạnh to lớn của công nhân mỏ.

3 giờ chiều ngày 20-11-1936, chủ mỏ đã phải tuyên bố chấp nhận toàn bộ yêu sách của công nhân: “Trả lương 30 xu/ ngày, trả tiền cuốc xẻng. Chịu tiền dầu mỡ bảo dưỡng xe goòng. Công nhân vắng mặt bất cứ lý do gì cũng không được phạt”.


Thế là sau 8 ngày đấu tranh liên tục, quyết liệt, cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Đánh giá về cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả, báo Le Travail (Lao động), tờ báo công khai của Đảng ta ra ngày 27-11-1936 đã viết: “Cuộc đấu tranh trong bình tĩnh và kỷ luật, đấu tranh với một ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản. Đây là đặc trưng chủ yếu đã toát ra từ trong cuộc bãi công đáng khâm phục của công nhân mỏ Cẩm Phả”.

Thắng lợi của cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả đã cổ vũ công nhân toàn khu mỏ đồng loạt bãi công. Sáng ngày 23-11-1936, công nhân nhà máy cơ khí Hồng Gai bãi công. Sau đó là công nhân các nhà máy than luyện, nhà sàng, mỏ than Hà Tu, Hà Lầm, nhà máy điện Cột 5 tiếp tục bãi công. Chiều ngày 24-11-1936, công nhân mỏ than Mông Dương kéo đến gặp chủ mỏ đòi tăng lương. Ngày 25-11-1936, công nhân nhà sàng và cảng Cửa Ông, mỏ than Kế Bào, Cái Đá, Đồng Đăng bãi công đòi tăng lương. Sáng ngày 27-11-1936, công nhân khu vực Hồng Gai tập trung tại sân bóng đá biến thành cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng. Chiều ngày 28-11-1936 chủ mỏ Hồng Gai đã phải ra thông báo chấp nhận yêu sách của công nhân. Trước tình hình đó, chủ mỏ Uông Bí, Vàng Danh, Mạo Khê đã vội vàng tăng lương đồng loạt 10% cho tất cả công nhân.

Thế là sau 17 ngày đêm  (từ đêm 12-11 đến chiều ngày 28-11-1936), với tinh thần đấu tranh bền bỉ, liên tục và quyết liệt, cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ diễn ra trên phạm vi toàn khu mỏ đã giành được thắng lợi hoàn toàn.

Cuộc tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ tháng 11-1936 là một sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa rất to lớn. Đây là cuộc bãi công lớn nhất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng nước ta thời kỳ 1936 - 1939. Thắng lợi của cuộc tổng bãi công đã để lại bài học sâu sắc về ý thức “kỷ luật và đồng tâm”,  về tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất, là niềm tự hào của các thế hệ thợ mỏ. Chính vì thế ngày 12-11-1936  đã đi vào lịch sử và trở thành ngày truyền thống của công nhân mỏ.

Với ý nghĩa đó, vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống công nhân mỏ, tháng 11-1996, Bộ Văn hoá- Thông tin đã có quyết định công nhận xếp hạng Nơi mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12-11-1936 là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Di tích nơi mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12-11-1936 được xác định là Ngã tư đường lên mỏ tại trung tâm TX Cẩm Phả. Đó là nơi đội bảo vệ cuộc bãi công đã lập trạm kiểm soát. Di tích này được giới hạn: Phía Tây giáp đường lên mỏ Đèo Nai, phía Đông giáp Công ty Vật tư vận tải và xếp dỡ Cẩm Phả, phía Bắc giáp nhà hoá nghiệm của Công ty Vật tư vận tải và xếp dỡ Cẩm Phả, phía Nam giáp con đường vào chợ cũ. Tổng diện tích là 427m2.

Năm 1996, tỉnh Quảng Ninh và Tổng Công ty Than, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã phối hợp xây dựng một công trình văn hoá nghệ thuật mang tính chất tưởng niệm ngay tại di tích. Đó là Đài tượng niệm có hình lá cờ cách điệu được ốp bằng đá màu hồng. Phía trước Đài tưởng niệm là văn bia gắn chữ nổi bằng đồng với nội dung: “Nơi đây, ngày 12-11-1936 mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ đòi quyền sống, quyền làm người và đã giành được thắng lợi rực rỡ, nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần bất khuất, ý thức kỷ luật và đồng tâm cho  muôn đời sau”...

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 4 đánh giá

Website Vinacomin
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập109
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm107
  • Hôm nay9,118
  • Tháng hiện tại135,762
  • Tổng lượt truy cập12,714,437
Anh hùng Lao động
Phat huy truyen thong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây