Ngày 12/11/1936 - Mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân Việt Nam

Thứ tư - 11/04/2018 23:07
Sau khi hạ thành Hà Nội được tám ngày, ngày 12-3-1883, tướng chỉ huy đội quân xâm lược Pháp là Hăngri Rivire đích thân mang 500 quân đánh chiếm vùng mỏ Quảng Ninh. Công việc bắt đầu của thực dân Pháp sau khi chiếm được vùng mỏ Quảng Ninh là việc tổ chức bộ máy thống trị của chúng và nhanh chóng xúc tiến thăm dò, khai thác than đá. Chúng dùng mọi thủ đoạn để đạt được lợi nhuận tối đa trên cơ sở bần cùng hóa triệt để nguời thợ mỏ.
Ngày 12/11/1936 - Mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân Việt Nam
Ngay từ những năm 20 của thế kỷ 20, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết bài tố cáo chế độ tàn ác của bọn chủ mỏ thực dân đối với thợ mỏ. Theo lời thú nhận của toàn quyền Đông Dương thì đời sống thợ mỏ quá khổ cực và công việc của họ quá nặng nề nên trong số 15.907 thợ mỏ thống kê năm 1905 không ai sống đến 60 tuổi. Và bọn tư bản thuộc địa cũng lại viện cớ đó để từ chối quỹ hưu bổng cho thợ thuyền bản xứ.

Vì vậy mà người thợ mỏ nơi đây vốn đã mang trong lòng tinh thần quật khởi của dân tộc và mối thù giai cấp sâu sắc đã không ngừng vùng lên đấu tranh chống lại bọn tư bản thực dân và bè lũ tay sai của chúng. Với khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!’’, cuộc đình công của hơn 3 vạn thợ mỏ bắt đầu từ Cẩm Phả vào đêm 12 rạng sáng ngày 13-11-1936, kéo dài hơn 20 ngày đã làm rung chuyển chính quyền thực dân Pháp và buộc chủ mỏ phải chấp nhận những yêu sách như tăng lương, giảm giờ làm, không đánh đập người lao động. Cuộc đình công này biểu thị ý chí quật cường của những người lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, đã để lại cho tổ chức Đảng và giai cấp công nhân vùng mỏ bài học to lớn về tập hợp lực lượng, tính kỷ luật trong đấu tranh, sự đùm bọc tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp.

Đánh giá về cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả, báo Le Travail (Lao động), tờ báo công khai của Đảng ta ra ngày 27-11-1936 đã viết: “Cuộc đấu tranh trong bình tĩnh và kỷ luật, đấu tranh với một ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản. Đây là đặc trưng chủ yếu đã toát ra từ trong cuộc bãi công đáng khâm phục của công nhân mỏ Cẩm Phả”. Bài học này đã đồng hành với cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân, nhân dân vùng mỏ thời kỳ trước, trong và sau Cách mạng Tháng 8-1945; trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng vùng mỏ 25-4-1955 và sau đó là kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc.

Chính vì lẽ đó, sau ngày giải phóng vùng mỏ ngày 06-11-1961 Ban Thường vụ Khu ủy Hồng Quảng đã ra Nghị quyết số 31-NQ/KU V/v “Tổ chức kỷ niệm Ngày 12/11, ngày đấu tranh của đội ngũ công nhân Vùng mỏ”. Từ năm 1994, khi Tổng Công ty Than Việt Nam (TVN) ra đời, tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) rồi Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) như hiện nay, để phù hợp với giai đoạn cách mạng mới, Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bộ Công nghiệp rồi Bộ Công thương và Tập đoàn TKV đã thống nhất lấy Ngày 12/11 hằng năm là Ngày truyền thống Công nhân Vùng Mỏ - Truyền thống Ngành Than để tổ chức kỷ niệm cuộc đấu tranh anh dũng năm 1936, coi ngày đó là Ngày Hội lớn của những người thợ mỏ và nhân dân Quảng Ninh.

Với ý nghĩa đó, vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống công nhân mỏ, tháng 11-1996, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có quyết định công nhận xếp hạng Nơi mở đầu cuộc tổng bãi công của ba vạn thợ mỏ ngày 12-11-1936 là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đài tưởng niệm 12-11-1936 nằm cạnh ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai (Xưa là các tầng Mông Giăng, Núi Trọc, Lộ Trí). Ngày nay đài tưởng niệm nằm trong khuôn viên Công ty vật tư vận tải và xếp dỡ - TKV.

Nguồn tin: LĐLĐ Tỉnh Quảng Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Website Vinacomin
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập115
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm113
  • Hôm nay9,081
  • Tháng hiện tại135,725
  • Tổng lượt truy cập12,714,400
Anh hùng Lao động
Phat huy truyen thong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây